Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong cải cách nền hành chính nhà nước

Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về CCHC trước hết cần phải khẳng định và giữ vững tính chất nhà nước của dân, do dân, vì dân của nền hành chính pháp quyền nước ta. Nền hành chính gần dân, vì dân và có bổn phận “đem chính trị vào ở giữa dân gian”, là công cụ đắc lực cho một nhà nước pháp quyền XHCN. Đó là nền hành chính cương quyết chống lại những biểu hiện của các căn bệnh được coi là “mãn tính” của nhà nước như: quan liêu, giấy tờ, cồng kềnh, xa dân và xa thực tiễn.

 

Năm 1947, trong cuốn sách “Sửa đổi lề lối làm việc”, để huấn luyện về lề lối làm việc của cán bộ, một trong những điều Bác viết: “Bất kỳ việc gì cũng vì lợi ích của Nhân dân mà làm và chịu trách nhiệm trước Nhân dân”. Hay, trước khi đi xa, trong bản Di chúc thiêng liêng, Bác căn dặn: “Mỗi đảng viên, cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của Nhân dân”.

 

Người cán bộ, công chức không có phận sự nào khác ngoài phận sự phục vụ nhân dân, vì nhân dân mà làm việc. Tư tưởng phục vụ Nhân dân là tư tưởng cốt lõi trong đạo đức, nhân cách của Bác. Với địa vị là công bộc của dân, Bác luôn nhắc nhở người cán bộ công chức phải yêu dân, kính dân, có như vậy thì dân mới yêu ta, kính ta. Người kịch liệt lên án những cán bộ công chức miệng thì nói dân chủ làm việc thì theo lối quan chủ, miệng thì nói phụng sự quần chúng nhưng họ lại làm trái ngược với lợi ích của quần chúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người mà lời nói đi đôi với hành động, lý luận đi đôi với thực tiễn. Người khuyên chúng ta: “Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành”.

 

Theo tư tưởng của Người, muốn đổi mới nền hành chính cần tiến hành trên cả ba phương diện, đó là: (1)Không ngừng đổi mới và ngày càng tăng cường tính chất “nhân dân” của bộ máy hành chính; (2)Xây dựng bộ máy của các cơ quan hành chính từ Trung ương đến địa phương luôn sát dân, gọn nhẹ và hiệu quả; (3)Kiên trì xây dựng một đội ngũ cán bộ hành chính có lòng trung thành, có đạo đức cách mạng và có kỹ năng hành chính tốt, ngày càng chính quy, hiện đại. Ngoài ra, nhiều nguyên tắc do Chủ tịch Hồ Chí Minh quy định hiện nay vẫn còn nguyên giá trị như: “những gì có lợi cho dân phải hết sức làm, những gì có hại cho dân phải hết sức tránh”; “vì việc mà tìm người chứ không vì người mà đặt việc”; “xây dựng một nhà nước ít tốn kém”

 

Vận dụng tư tưởng của Người về CCHC nhà nước, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết về CCHC, đề ra Chương trình CCHC giai đoạn 2011 – 2020, Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 – 2030, coi đó là vấn đề chiến lược, xác định 6 lĩnh vực bao gồm: (1)Cải cách thể chế; (2)Cải cách thủ tục hành chính; (3)Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; (4)Cải cách chế độ công vụ; (5)Cải cách tài chính công; (6)Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, chính phủ số.

 

Có thể nói, thời gian qua, công tác CCHC được triển khai thực hiện một cách toàn diện, đồng bộ trên tất cả lĩnh vực của nền hành chính từ Trung ương đến địa phương và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, từng bước xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, cụ thể:

 

Thứ nhất, cải cách thể chế được xác định là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước. Thể chế về tổ chức bộ máy hành chính; công chức, viên chức; về mối quan hệ giữa nhà nước với người dân được tập trung xây dựng, hoàn thiện. Một số lượng lớn nghị định hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã được ban hành; chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được nâng cao, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là từ khi thi hành Hiến pháp năm 2013 góp phần quan trọng hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng hệ thống cơ quan HCNN từ Trung ương đến cơ sở thông suốt, trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

 

Thứ hai, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được triển khai mạnh mẽ ở tất cả cấp hành chính theo hướng đơn giản hóa, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích chính đáng và quyền làm chủ của nhân dân. Việc triển khai thực thi đơn giản hóa TTHC; phân cấp, phân quyền giải quyết TTHC bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực. Việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng số hóa, không phụ thuộc vào địa giới hành chính được chú trọng, bước đầu có kết quả. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC, đồng thời cung cấp, tích hợp nhiều tiện ích thông minh, giúp cho việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết TTHC ngày càng nhanh chóng, thuận tiện.

 

Thứ ba, cải cách tổ chức bộ máy HCNN được triển khai quyết liệt, đồng bộ. Việc kiện toàn cơ cấu tổ chức của Chính phủ, hình thành bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, việc rà soát, điều chỉnh chức năng, tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ được thực hiện mạnh mẽ theo hướng phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của từng cấp. Qua thực tiễn triển khai, tổ chức bộ máy hành chính, cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa sau tinh gọn, hợp lý hơn khóa trước; số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện ngày càng giảm dần qua các nhiệm kỳ Chính phủ. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy HCNN và đơn vị sự nghiệp công lập  ngày càng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc tinh giản biên chế và giải quyết nhân sự dôi dư sau khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

 

Thứ tư, thể chế về công vụ, công chức, viên chức được bổ sung, hoàn thiện, đổi mới. Công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý CB,CC,VC cơ bản được thực hiện nghiêm; việc bố trí công chức bảo đảm theo vị trí việc làm và tiêu chuẩn ngạch công chức, viên chức tương ứng với khung năng lực từng bước được thực hiện. Việc thu hút những người có tài năng vào làm việc trong các CQNN; công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức có sự đổi mới, bước đầu đạt kết quả.

 

Thứ năm, thể chế, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực tài chính công có nhiều chuyển biến rõ nét. Việc triển khai chính sách xã hội hóa trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế... từng bước nâng cao, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Việc thực hiện đổi mới cơ chế tài chính đối với CQHC, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập  đạt được những kết quả tích cực.

 

Thứ sáu, cơ chế, chính sách về phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số từng bước được hoàn thiện, góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả. Việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, trục liên thông văn bản quốc gia, Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ... được triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần hình thành nên cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến tiếp tục có cải thiện, tỷ lệ hồ sơ TTHC được xử lý trực tuyến tăng nhanh; một số dịch vụ công thiết yếu được thực hiện trên môi trường điện tử.

 

Thứ bảy, người đứng đầu cơ quan HCNN các cấp thường xuyên đối thoại, lắng nghe phản ánh, kiến nghị của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện quyết tâm xây dựng một nền hành chính năng động, trách nhiệm. Các công cụ theo dõi, đánh giá CCHC, như Chỉ số CCHC (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan HCNN (SIPAS); đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công, giáo dục công... được triển khai thực hiện, qua đó thể hiện rõ nét tinh thần xây dựng một nền hành chính dân chủ, phục vụ, hướng tới lợi ích của người dân và xã hội.

 

Trong thời gian đến, để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền hành chính Việt Nam dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, yêu cầu đặt ra đối với các cấp, các ngành và mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, vận dụng linh hoạt, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, các chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền hành chính nhà nước; đồng thời, triển khai thực hiện quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách nền HCNN được xác định trong Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ và các chương trình, kế hoạch hành động của các cấp, ngành về cải cách HCNN, gắn với thực hiện công tác chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay.

BBT


Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết