Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi tham gia góp ý dự thảo Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Chiều 23/11, Quốc hội họp phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi).

 

Góp ý về dự thảo luật, Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Ngãi Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cơ bản thống nhất cao với dự thảo luật và báo cáo thẩm tra về dự án luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đại biểu Hùng cho rằng, dự thảo luật cần bổ sung những qui định nguyên tắc, mô hình, chức năng chính, tổ chức bộ máy và hoạt động quản lý, giám sát, khung pháp lý liên quan đối với tập đoàn tài chính. Hiện tại chưa có bất cứ quy định nào về tập đoàn tài chính.
 
Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Ngãi Lương Văn Hùng góp ý dự thảo luật.
Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Ngãi Lương Văn Hùng góp ý dự thảo luật. Ảnh: VĂN TÂN

Việc xử lý nợ xấu là vấn đề quan trọng, nhằm luật hóa Nghị quyết số 42 của Quốc hội (sẽ hết hiệu lực cuối năm 2023). Do đó, để tăng tính hiệu lực, hiệu quả đối với công tác thu giữ và phát mại tài sản bảo đảm, nên mở rộng đối tượng tham gia mua bán nợ xấu nhằm tăng khả năng huy động nguồn lực, tăng thanh khoản cho thị trường và cũng là thông lệ quốc tế. Có thể quy định những Tổ chức mua - bán nợ cần được ngân hàng Nhà nước cấp phép nhằm chuẩn hóa và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức này.
 
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi Vũ Thị Liên Hương góp ý tại kỳ họp. (Ảnh: VĂN TÂN)
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi Vũ Thị Liên Hương góp ý tại kỳ họp. Ảnh: VĂN TÂN

Tham gia thảo luận về Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi), Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi Vũ Thị Liên Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, để bảo vệ quyền lợi của khách hàng, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cần sửa khoản 2, Điều 10 như sau: “2. Tạo thuận lợi cho khách hàng gửi và rút tiền, bảo đảm thanh toán đủ, đúng hạn gốc và lãi của các khoản tiền gửi theo thỏa thuận gửi tiền và/hoặc thỏa thuận rút tiền giữa khách hàng và tổ chức tín dụng;”. Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung khái niệm/trường hợp để xác định “sự kiện bất khả kháng” hoặc quy định “sự kiện bất khả kháng theo quy định của pháp luật dân sự”.

Đối với nội dung nêu tại Khoản 1 Điều 136, đại biểu Hương đề nghị giữ nguyên tỷ lệ theo quy định hiện hành (Hiện quy định giới hạn đối với 1 khách hàng và nhóm khách hàng liên quan lần lượt là 15% và 25% vốn tự có) để tăng cường khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, người dân, phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Tin, ảnh: BÁ SƠN – VĂN TÂN/BQNĐT

Hãy chia sẻ nó cho nhiều người biết hơn nhé!

In bài viết